Business Analyst là hoạt động cho phép các thay đổi trong một doanh nghiệp bằng cách định nghĩa yêu cầu và gợi ý các giải pháp đem lại giá trị cho các bên liên quan.
Công việc Business Analyst có thể chỉ liên quan trong phạm vi của dự án hoặc xuyên suốt sự mở rộng và phát triển của doanh nghiệp. Business Analyst thực hiện các hoạt động tìm hiểu về trạng thái hiện tại (current state), xác định trạng thái mong đợi (future state), nhằm lên kế hoạch cho các hoạt động cần thiết để doanh nghiệp chuyển từ trạng thái hiện tại sang trạng thái mong đợi.
Vai trò của Business Analyst trong doanh nghiệp
Chuyên viên phân tích nghiệp vụ kinh doanh – Business Analyst thực hiện nhiệm vụ phân tích các nghiệp vụ trong doanh nghiệp. Họ chịu trách nhiệm tìm hiểu, đặt nghi vấn, đánh giá các giả định, yêu cầu và làm việc với các bên liên quan để làm rõ các yêu cầu, đặc điểm của doanh nghiệp, hệ thống, người dùng để cải thiện hệ thống kinh doanh.
Business Analyst giúp cải thiện quy trình vận hành doanh nghiệp, phát triển và cải tiến hệ thống thông tin của doanh nghiệp, giảm thiểu chi phí hoạt động và sử dụng hiệu quả nguồn lực khan hiếm.
Để có cái nhìn rộng hơn về ngành công nghệ, bạn đọc có thể tham khảo bài viết Data Analyst.
Business Analyst chịu trách nhiệm xác định yêu cầu thực sự của doanh nghiệp chứ không đơn giản là mong muốn mà các bên liên quan thể hiện. Để làm được điều này, họ sẽ dành thời gian khơi gợi, điều tra và đặt câu hỏi phù hợp cho mỗi người được hỏi. Sau đó, Business Analyst cần dành nhiều thời gian để phân tích các thông tin thu thập được, dựa vào các đặc điểm, yếu tố, xu hướng để đảm bảo yếu tố cập nhật, kịp thời và chính xác của thông tin và tài liệu hóa chúng dưới các dạng phù hợp: viết tay, hoặc thể hiện bằng hình ảnh như bảng, biểu đồ,…
Business Analyst làm gì để doanh nghiệp đạt trạng thái mong muốn trong tương lai?
Một số hoạt động Business Analyst thực hiện bao gồm:
- Thực hiện phỏng vấn, điều tra, khơi gợi để thu thập thông tin từ nhiều nguồn
- Làm rõ và tài liệu hóa các yêu cầu, mong muốn của các bên liên quan
- Hiểu vấn đề và mục tiêu của doanh nghiệp
- Làm rõ và phân loại các yêu cầu (liệu yêu cầu phù hợp, khả thi, trùng lắp, mơ hồ,…)
- Phân tích các giải pháp, kiểm tra tính khả thi và so sánh với mong muốn của doanh nghiệp
- Xác định những cải tiến có thể được thực hiện đối với tình huống kinh doanh bằng cách so sánh tình hình hiện tại với mong muốn
- Triển khai và thực hiện các chương trình và quy trình công nghệ để cải thiện hiệu quả kinh doanh
- Thúc đẩy thay đổi để biến hiện trạng thái của doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại thành trạng thái mong muốn trong tương lai
Một số chức vụ phổ biến liên quan đến công việc phân tích nghiệp vụ kinh doanh là: Business Architect, Business System Analyst, Data Analyst, Enterprise Analyst, Management Consultant, Process Analyst, Product Manager, Product Owner, Requirements Engineer, Systems Analyst
Trở thành một Business Analyst với mức lương 45 triệu như thế nào?
Theo VietnamSalary, mức lương trung bình của Business Analyst ở Việt Nam là 16,7 triệu/tháng với mức lương cao nhất vào khoảng 45 triệu.
Bạn có thể theo đuổi nghề dựa trên các bước sau:
- Có bằng cử nhân: Một số nhà tuyển dụng thường yêu cầu bằng cử nhân ở các lĩnh vực liên quan, bao gồm: công nghệ thông tin, hệ thống thông tin quản lý, lập trình,…
- Lấy một số chứng chỉ kỹ thuật liên quan: Chứng chỉ kỹ thuật thường không yêu cầu nhưng có thể có thể trở nên nổi bật so với các ứng viên khác.
- Tích lũy kinh nghiệm thực tế: Nhiều vị trí Business Analyst yêu cầu có kinh nghiệm làm việc thực tế trong ngành nghề đó. Tuy vậy, những yêu cầu kinh nghiệm cụ thể phụ thuộc vào lĩnh vực bạn đang làm. Ví dụ, Business Analyst trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cần biết về hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Chứng chỉ chuyên môn của Business Analyst bao gồm chứng chỉ CCBA hoặc CBAP do IIBA – Viện Phân tích Kinh doanh Quốc tế chứng nhận. CCBA/CBAP yêu cầu người tham gia có tối thiểu 7,500 giờ kinh nghiệm trong 10 năm, 2 thư giới thiệu và một vài yêu cầu. Tuy nhiên, chứng chỉ này đại diện cho chuyên môn xuất sắc của người tham gia và hứa hẹn cơ hội phát triển nghề nghiệp cùng với mức lương hấp dẫn.
Phát triển hoàn thiện hơn với nhóm kỹ năng cơ bản
Để làm Business Analyst thì sẽ có 4 nhóm kỹ năng chính:
1. Kiến thức chuyên ngành – Domain knowledge
- Kiến thức ngành: Công nghệ tài chính (Fintech), Logistics, tài chính, ngân hàng,… Họ cần biết những kiến thức cơ bản trong lĩnh vực mình đang làm. Ví dụ Business Analyst phát triển hệ thống cửa hàng bán lẻ thì cần kiến thức về ngành bán lẻ.
- Quy trình hoạt động của doanh nghiệp (Business process, Business rule): Business Analyst khi làm việc về một hệ thống thì cần phải hiểu rõ nghiệp vụ của hệ thống đó cũng như môi trường kinh doanh của hệ thống đó.
2. Kỹ năng công nghệ – Technical skills
- Nắm rõ vòng đời phát triển phần mềm (Software development life cycle)
- Nắm vững ngôn ngữ Mô hình hóa (Modelling – System, Process, Data)
- SQL queries and data mapping: Họ cần hiểu SQL để truy vấn dữ liệu
- Kỹ năng sử dụng các công cụ: Business Analyst cần biết các công cụ hỗ trợ công việc phân tích nghiệp vụ gồm 2 loại cơ bản: Office Productivity gồm soạn thảo văn bản (Microsoft Docs, Scribus,…), trình chiếu (Microsoft Powerpoint, Prezi, Visme,…), Communication (Outlook, Gmail, Skype, Zoom,…). Ngoài ra, nhóm Business Analysis gồm có Modelling (Draw.io), Requirement tracking (Jira, Trello, Slack,…), Designing (AxureRP, Photoshop, hoặc PowerPoint), Data Query/ Reporting (SQL Server, Visual Studio, PowerBI,…)
3. Kỹ năng chuyên môn – Professional skills
- Kỹ năng khơi gợi yêu cầu (Requirement elicitation techniques): Thông thường các yêu cầu của khách hàng mơ hồ, không chắc chắn, thậm chí nhiều người không biết mình muốn gì. Vì vậy, Business Analyst cần làm rõ, xác định yêu cầu thực sự của doanh nghiệp.
- Tư duy phân tích (Analytical Thinking): Business Analyst cần có khả năng sắp xếp và phân loại chi tiết của vấn đề, qua đó hiểu được bản chất của vấn đề.
- Kỹ năng giải quyết vấn đề (Problem Solving): Mục tiêu cuối cùng của việc phân tích nghiệp vụ là đưa ra giải pháp để cải thiện và đem lại giá trị cho doanh nghiệp. Vậy nên, Business Analyst cần đưa ra những giải pháp để giải quyết vấn đề, yêu cầu của doanh nghiệp.
- System thinking: Đây là cách để hiểu được sự phức tạp của một thứ gì đó bằng cách nhìn nó dưới góc độ toàn vẹn và các mối quan hệ hơn là cách chia nhỏ nó thành các phần của nó.
4. Kỹ năng mềm – Soft Skills
- Kỹ năng giao tiếp – Communication skill: Business Analyst cần lắng nghe chủ động, nói tốt và rõ ràng, ngắn gọn. Nghề nghiệp này làm việc với nhiều người khác nhau, vì vậy cần hiểu cách nói sao cho người làm kỹ thuật hiểu vấn đề hoạt động của doanh nghiệp và người làm kinh doanh hiểu vấn đề kỹ thuật sẽ được triển khai.
- Kỹ năng điều hành và đàm phán (Facilitation and negotiation skills): Business Analyst cần đàm phán với khách hàng để đạt được mục tiêu chung, vì một số yêu cầu của khách hàng có thể khó đạt được, hoặc quá rườm rà, không cần thiết.
- Kỹ năng làm việc nhóm và hợp tác: Business Analyst thường làm việc trong dự án gồm nhiều người với nhiều vai trò khác nhau, nên cần phải trang bị những kỹ năng làm việc nhóm và hợp tác.
Những tính cách phù hợp với nghề
Business Analyst thường rất khách quan và có khả năng quan sát tốt, vì họ thường nhận được yêu cầu không rõ ràng, chắc chắn từ phía khách hàng nên cần thu thập và chắt lọc thông tin hiệu quả. Họ là một người có đầu óc cởi mở sẵn sàng đón nhận những cái mới. Bởi vì nếu không có suy nghĩ đó thì rất dễ đi vào lối mòn, không có sự đổi mới, trong khi yêu cầu của doanh nghiệp là giải pháp mang tính ứng dụng lâu dài chứ không phải nhất thời.
Họ cũng là người có khả năng học hỏi và tiếp thu nhanh, vì họ tham gia nhiều dự án khác nhau ở các lĩnh vực và thay đổi dự án thường xuyên, Business Analyst cần học nhanh các kiến thức chuyên sâu về các lĩnh vực đó. Khách hàng mong muốn ở Business Analyst không chỉ khả năng phân tích và đưa ra giải pháp mà còn sự am hiểu nhất định về chuyên ngành (domain) đó của họ. Đôi khi, họ còn cần am hiểu hơn cả khách hàng để tư vấn ngược lại cho họ.Họ mong muốn có kết quả công bằng và có mối quan tâm chung đối với người khác.
Họ cũng có phẩm chất mong muốn làm tốt và kỹ lưỡng công việc của mình. Có nghĩa là họ làm việc luôn có phương pháp, đáng tin cậy và thường lên kế hoạch trước cho mọi việc.
Tabbook không chịu trách nhiệm hoặc nghĩa vụ đối với bất kỳ lỗi hoặc thiếu sót nào trong nội dung. Thông tin có trong trang web này được cung cấp trên cơ sở tham khảo nên không có đảm bảo về tính đầy đủ, chính xác hoặc kịp thời …
Tabbook